Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

MỘT GÓC NHÌN KHI THEO ĐUỔI SỰ NGHIỆP KẾ TOÁN



Mọi người thường nghĩ về kế toán viên và kiểm toán viên là những người cuồng toán, ngồi lọ mọ trong phòng tối với các bảng tính dài bất tận, mệt óc với các con số. Nhưng chuyện đó đã trở thành dĩ vãng. Kế toán ngày nay là sự kết hợp giữa phân tích, giải quyết vấn đề và phát hiện sai sót. Để làm công việc này, bạn phải có kĩ năng giao tiếp tốt và làm việc hiệu quả với mọi người, chứ không chỉ là với những con số. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một góc nhìn về nghề kế toán và các lựa chọn trên con đường trở thành một kế toán viên.

Mọi người thường nghĩ về kế toán viên và kiểm toán viên là những người cuồng toán, ngồi lọ mọ trong phòng tối với các bảng tính dài bất tận, mệt óc với các con số.
Tuy nhiên, ngoài việc kế toán nhất thiết phải có nền tảng toán học vững chắc, công việc này còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Kế toán ngày nay là sự kết hợp giữa phân tích, giải quyết vấn đề và phát hiện sai sót. Để làm công việc này, bạn phải có kĩ năng giao tiếp tốt và làm việc hiệu quả với mọi người, chứ không chỉ là với những con số. Như vậy, nhiệm vụ của công việc đa dạng hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều người. Thêm vào đó, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) nhu cầu tuyển kế toán và kiểm toán viên được kỳ vọng sẽ tăng 18% từ năm 2006 đến năm 2016. Tốc độ này nhanh hơn nhiều so với mức trung bình cho tất cả các ngành nghề.

CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY

Kế toán và kiểm toán viên làm việc cho các công ty, khách hàng cá nhân và chính phủ để đảm bảo rằng các công ty hoạt động hiệu quả, ghi chép tài chính chính xác và các loại thuế được trả đầy đủ. Kế toán viên cũng có thể phân tích ngân sách và cung cấp một số dịch vụ hoạch định tài chính cũng như cố vấn về công nghệ thông tin và một số dịch vụ pháp lý nhất định.
Kế toán và kiểm toán gồm bốn lĩnh vực chính. Lĩnh vực được lựa chọn sẽ ảnh hưởng một phần đến nội dung công việc.
  1. Kế toán quản trị - Người làm kế toán quản trị thường làm việc theo nhóm trong các công ty. Họ cung cấp các thông tin và những phân tích cần thiết để giám đốc điều hành công ty đưa ra quyết định. Giám đốc điều hành cũng có thể sử dụng thông tin này để lập các báo cáo tài chính, từ đó giải trình cho các cổ đông, các chủ nợ, và các cơ quan quản lý.
  2. Kế toán/Kiểm toán nhà nước - Kế toán làm việc cho nhà nước, chính quyền địa phương với nhiều mục khác nhau. Họ ghi sổ sách cho các cơ quan chính phủ cũng như các doanh nghiệp kiểm toán và các cá nhân - những đối tượng phải tuân thủ quy định của chính phủ hoặc phải nộp thuế. Kế toán nhà nước có thể chịu trách nhiệm cho các nhánh kiểm toán của các tổ chức chính phủ để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tài chính.
  3. Kế toán công - Đây là lĩnh vực kế toán rộng nhất bởi kế toán công cung cấp dịch toán kế toán, thuế, kiểm toán, tư vấn cho chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và cá nhân. Kế toán công có chứng chỉ Kế toán Công chứng (CPA), nhưng họ có thể chỉ tập trung vào một vài dịch vụ, chẳng hạn như giúp chuẩn bị kê khai thuế cho các doanh nghiệp, cá nhân hoặc kiểm toán báo cáo tài chính.
  4. Kiểm toán nội bộ - Kiểm toán viên nội bộ hoạt động như một thám tử. Họ kiểm tra tinh hình kiểm soát nội bộ của một tổ chức và cố gắng để phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận, yếu kém trong quản lý và các sai sót khác. 
Kế toán được xem là công việc văn phòng điển hình tám tiếng một ngày, nhưng thực ra trong thời kì bận rộn như mùa thuế, họ thường phải làm việc thêm giờ. Theo thống kê năm 2006 của BLS, khoảng 21% kế toán viên làm trong lĩnh vực kế toán, ghi chép sổ sách, kế toán thuế và kế toán tiền lương cho công ty dịch vụ, 10% là lao động tự do, và phần còn lại làm việc cho ngành tư nhân và chính phủ.

CON ĐƯỜNG NGHỀ NGHIỆP ĐỘC ĐÁO

Nếu bạn đang tìm kiếm con đường sự nghiệp độc đáo, Hiệp hôi kế toán viên công chứng Mỹ đưa ra một số gợi ý thú vị sau:
  • Kế toán pháp lý - Khám phá gian lận tài chính và bỏ tù các tội phạm là công việc hàng ngày của kế toán viên pháp lý. Các công ty bị mất hàng tỷ đô mỗi năm vì gian lận và do đó nghề này trở thành một trong những ngành phát triển nhanh nhất.
  • Kế toán môi trường - Khi mà xu hướng "xanh" phát triển trong kinh doanh, kế toán môi trường phân tích các chi phí dùng cho phòng chống ô nhiễm trong quá trình sản xuất và đặt lên bàn cân với các lựa chọn khác, bao gồm các khoản tín dụng thuế bị lỡ và tiền phạt.
  • Kế toán cho giới giải trí - Nếu bạn may mắn, bạn có thể cung cấp các dịch vụ tài chính cho các hãng phim, các công ty sản xuất, các nghệ sĩ và kỹ thuật viên. Công việc này sẽ xoay quanh những mảng truyền thống của thuế, kiểm toán và phân tích tài chính, nhưng làm việc ở Hollywood mới là điều đáng mơ ước mà một số người luôn kiếm tìm
  • Người nhận ủy thác trong vụ phá sản - Kế toán viên sẽ được bổ nhiệm bởi Bộ Tư pháp Mỹ trong thủ tục tố tụng phá sản. Họ được chỉ định trong tất cả các vụ phá sản (theo Chương 7, 12 và 13 của luật pháp Mỹ) để đảm bảo rằng các chủ nợ không có tài sản thế chấp (như cổ đông của một công ty chẳng hạn) có người đại diện để họ có thể nhận được một phần tiền khi thanh lý tài sản công ty - nếu còn sót lại gì.  

CÁC BẰNG CẤP, CHỨNG CHỈ CẦN THIẾT

Nếu muốn trở thành một kế toán, bạn phải có bằng cử nhân kế toán hoặc lĩnh vực có liên quan, mặc dù các trường cao đẳng sơ cấp (junior college) và nhánh của các trường kinh doanh có cấp văn bằng mà có thể giúp sinh viên mới tốt nghiệp làm trợ lý kế toán, và sau này thăng cấp khi đã có kinh nghiệm.
Tại Mĩ, để nộp bất kỳ báo cáo nào cho Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC), kế toán viên phải được ghi nhận là một CPA, bằng cách đáp ứng các yêu cầu của chính phủ và phải vượt qua một kỳ thi quốc gia khó khăn. Hầu như mọi bang yêu cầu mỗi ứng viên CPA phải có bằng đại học cũng như có thêm 30 giờ làm tiểu luận. Như vậy, người làm kế toán nên biết các yêu cầu của bang đối với ứng cử viên CPA và đảm bảo rằng họ hoàn thành đúng thời lượng học ở trường khi có thể.
Kỳ thì CPA (gồm bốn phần được tổ chức bởi Hiệp hội Hành nghề Kế toán Mỹ) rất khó. Theo BLS, chưa đến 50% người dự thi có thể thi đỗ cả 4 phần trong lần thi thứ nhất.
Kế toán cũng có thể nâng cao kỹ năng của họ (và có lẽ lương của họ) bằng các chứng chỉ khác như Kế toán Quản lý (CMA), Kiểm toán Hệ thống thông tin được chứng nhận (CISA), Kế toán kinh doanh được công nhận (ABA) hoặc Chứng nhận chỉ định hiệp hội những người điều tra gian lận (CFE) và một vài chứng chỉ khác. Những chứng chỉ này có thể dùng để bổ sung hoặc thay cho chứng chỉ CPA và đem lại lợi thế cho những sinh viên mới tốt nghiệp trong thị trường lao động.

TIỀN LƯƠNG THỰC TẾ

Theo số liệu thống kê năm 2006 của BLS, thu nhập hàng năm trung bình của kế toán trong năm 2006 là 54.630 USD, 10% tốp đầu kiếm được hơn 94.000 USD, còn 10% tốp dưới kiếm được chưa đến 34.000 USD. Mức lương của bạn sẽ phụ thuộc vào nơi bạn làm việc, kinh nghiêm, chứng chỉ và loại công việc mà bạn chọn.

BẠN CẦN CÓ NHỮNG GÌ?

Kế toán thì có rất nhiều việc phải làm hơn là chỉ nghiền ngẫm những con số và hình ảnh kế toán chẳng làm gì ngoài việc cộng trừ nhân chia đã trở thành dĩ vãng. Ngày nay, công việc của kế toán được định hướng theo nhóm. Khi mới bắt đầu, bạn có thể là một thành viên cấp thấp trong nhóm, chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính, kiểm toán một tài khoản cụ thể hoặc báo cáo tài chính của khách hàng. Nếu bạn là một kế toán công, bạn sẽ có nhiều thời gian tiếp xúc với khách hàng, cung cấp các giải pháp cá nhân cho vấn đề về thuế và kế toán. Vì thế bạn cần có khả năng giao tiếp và tương tác với những người khác
Bạn không nhất thiết phải siêu toán, nhưng nếu không có kĩ năng tin học thì kế toán không dành cho bạn. Phần lớn công việc của bạn sẽ được thực hiện bằng máy tính, và các công ty luôn sử dụng các hệ thống máy tính mới cho mục đích gửi và lập các báo cáo tài chính.
Nếu tính bạn thích ung dung tự tại và thiếu chí tiến thủ, hãy tránh xa công việc này! Kế toán phải mẫn cán và hướng đến sự hoàn hảo. Quan trọng hơn cả, những quyết định của bạn đáng giá hàng triệu đô la, và nếu kết luận của bạn là không chính xác 100%, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

LỜI KẾT
Kế toán là nghề có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nếu có những kỹ năng phù hợp cho công việc này, bạn có thể tìm cách để vừa sử dụng chúng vừa làm việc phù hợp với sở thích, thế mạnh và tính cách của mình.

NGUỒN : THEO SAGA.VN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét